Nói đến thành phố Dresden bên bờ sông Elbe thơ mộng của Đức, không ai không nghĩ đến những công trình kiến trúc cổ tuyệt đẹp của ông hoàng August Đệ Nhị, trị vì xứ Sachsen từ 1694- 1733, để lại cho thành phố “Di sản thế giới” này. Đặc biệt, một biểu tượng như niềm tự hào của Dresden, chính là từ năm 1754, thành phố được sở hữu bức tranh “Madonna Sistine” của một trong ba “Người khổng lồ” thời kỳ Phục Hưng, danh họa Raphael (Raffaello Sanzio da Urbino, 1483- 1520).
'Madonna Sistine' của Raphael
Xã hội Vạn vật Trí tuệ Nhân tạo (AIWS) vinh danh tác phẩm này là một trong những đỉnh cao và là Thành tựu Mỹ thuật cho Muôn đời.
Bức tranh "Madonna Sistine”, còn được gọi là “Đức Mẹ Sistine” thực hiện bằng sơn dầu trên vải, có khổ 265cm x 196cm, được danh họa Raphael vẽ cho nhà thờ Thánh Sixto năm 1514. Và cho tới giờ cũng chưa biết vì lẽ gì, từ năm 1754 đã được chuyển đến Dresden, nước Đức, thuộc sở hữu của bảo tàng tranh quý Alte Meister, trong cung điện Zwinger, nơi tổ chức các hoạt động giải trí ngoài trời của ông hoàng August Đệ nhị và các quần thần vào thời kỳ đó.
Tranh về Đức Mẹ kể từ khi hình thành lịch sử Công giáo có rất nhiều họa sĩ vẽ thành công, nhưng chỉ đến khi Raphael hoàn thành bức “Madonna Sistine”, bức họa sau cùng của ông vẽ Đức Mẹ (cùng với khoảng 20 bức khác còn lại đến hôm nay) thì có thể nói đã đạt tới sự hoàn mỹ về vẻ đẹp của Đức Mẹ, trở thành “khuôn vàng thước ngọc” hình ảnh Đức Mẹ kể từ đó cho đến tận thế kỷ 21 này vẫn không thay đổi. Chính vì thế “Madonna Sistine” trở thành một kiệt tác hội họa bất tử trong kho tàng nghệ thuật nhân loại.
Raphael, tên đầy đủ: Raffaello Sanzio da Urbino, sinh ngày 6/4/1483 tại thành phố Urbino, qua đời ngày 06/04/1520 tại Rome, Italia. Raphael được xem là một trong ba “Người khổng lồ" (cùng với Michelangelo và Leonardo da Vinci), họa sĩ suất sắc và quan trọng nhất của thời Phục Hưng, họa sĩ "số một" của nghệ thuật Công Giáo mọi thời đại.
Tuy cuộc đời ngắn ngủi, mất khi mới tròn 37 tuổi, nhưng Raphael đã để lại cho nhân loại hôm nay hơn 250 tác phẩm, hầu hết đều được xếp vào hàng kiệt tác, bởi không chỉ là vẻ đẹp ở thời đương đại mà còn là vẻ đẹp vượt ra khỏi không gian văn hóa dị biệt và khoảng cách thời đại để bất tử. (AIWS cũng đã giới thiệu một kiệt tác khác của ông là bức “The School of Athens”).
Kể từ bức vẽ Đức Mẹ đầu tay “Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng”, cắt khối, khổ 97cm x 67cm của Raphael khi mới 14,15 tuổi, diễn tả cảnh Mẹ ngồi ôm Chúa Hài Đồng đang ngủ, phía trước là cuốn sách mở…, cho đến bức cuối cùng vẽ Đức Mẹ là “Madonna Sistine”, một chặng đường không dài, nhưng đã đủ để hoàn thiện vẻ đẹp Đức Mẹ, không dựa vào nguyên mẫu nào, mà như tổng hòa của sự gần gũi thân thiện, sự khiêm nhường dịu dàng, đức hy sinh thánh thiện, mang đến hình ảnh Đức Mẹ thân thương với bất kỳ ai khi chiêm ngưỡng tranh của ông.
Trước bức “Madonna Sistine”, Raphael đã được vinh danh về đề tài Đức Mẹ qua “Madonna del Granduca”, năm 1504, sơn dầu trên gỗ 84cm x 55cm
tại Galleria Palatina (Palazzo Pitti), Florence. Bức tranh đạt đến sự hài hoà bình dị một cách tự nhiên và ẩn chứa năng lượng cảm xúc vô biên, vượt xa tất cả những tác phẩm vẽ Đức Mẹ đã có trước đó.
Về bức tranh này, trong The story of Art, E.H. Gombrich đã viết: "Bức “Madonna del Granduca” của Raphael đúng là kinh điển theo cái nghĩa nó đã trở thành mẫu mực cho sự hoàn hảo cho bao thế hệ... Nó không cần được giải thích. Nơi đây sức sống tràn đầy. Cái cách Raphael tạo hình khuôn mặt Đức Trinh Nữ và cho nó lui dần vào bóng tối, cái cách chàng làm cho ta cảm thấy khối lượng cơ thể dưới lớp áo choàng lỏng lẻo, sự vững chãi và dịu dàng trong cách Ngài bồng ẵm trẻ Giêsu, tất cả tạo nên thế cân bằng hoàn hảo.
Ta cảm thấy chỉ cần thay đổi bố cục chút xíu cũng đủ làm xáo trộn toàn bộ sự hài hòa. Thế nhưng không hề có gì gò bó hay giả tạo trong cách sắp xếp. Trông nó như không thể khác hơn, và dường như nó đã hiện hữu như thế từ khi bắt đầu có thời gian”.
Nhưng đó chưa phải là sự tận cùng của “mẫu mực”. Khi kiệt tác “Madonna Sistine” Raphael vẽ năm 1512 cho nhà thờ San Sisto ở Piacenza, Italia, đã khiến tên tuổi của ông gắn liền với đề tài này và trở thành “khuôn vàng thước ngọc” cho mọi thời đại. Đây cũng là tác phẩm cuối cùng Raphael vẽ về đề tài Đức Mẹ Maria, khi mà nhân cách và tài năng nghệ thuật của ông đang ở giai đoạn phát triển tới đỉnh cao.
Khách thăm quan đang chiêm ngưỡng bức 'Sistine Madonna' của Raphael ở Bảo tàng Alte Meister, Dresden, Đức. Ảnh: Alamy
Ngắm bức tranh “Madonna Sistine”, có cảm giác như đang xem một câu chuyện được trình diễn trên sân khấu hiện đại 4D- 5D của thời công nghệ thế kỷ 21. Bức tranh như có chiều sâu, nhiều lớp, có cả cận cảnh, trung cảnh và hậu cảnh. Mỗi một lớp cảnh mở ra một câu chuyện thú vị với nhiều thông điệp về tri thức và đức tin của nhân loại.
Dường như bức tranh “Madonna Sistine” tạo ra một quyền lực bí ẩn buộc những người ngắm tranh phải hướng cái nhìn chuyển động từ dưới lên và cúi đầu trước Đức Mẹ theo cách mà Raphael gửi thông điệp vào nét vẽ. Từ hai thiên thần nhỏ hướng ánh mắt nhìn lên, từ hai vị Thánh hướng cái nhìn vào Đức Mẹ, và sự chuyển động của bước chân Mẹ, nếp váy tung ra lộ hai chân trần, tấm khăn choàng bồng bềnh gió….
Từng nét vẽ chi tiết tỉ mỉ với những tỉ lệ vàng cân bằng tuyệt đối, sự hòa quyện màu sắc xanh lá, cam, đỏ, và ánh sáng vàng kỳ ảo tinh tế êm dịu, đặc biệt Raphael với bút pháp điêu luyện giống như phả hồn vào từng nếp áo, từng cử chỉ, ánh mắt các nhân vật, tạo nên sự sống động, sự chuyển động, như sự việc đang hiển hiện trước mắt ở đời thực chứ không phải bức tranh vô tri.
Tấm màn nhung xanh có sợi dây chăng ngang từ từ hé mở và mở rộng đến gần hết không gian, câu chuyện bắt đầu cùng với khung trời lồng lộng tầng tầng lớp lớp những áng mây rực sáng hiện ra làm nền cho hình ảnh Đức Mẹ, gương mặt đẹp dịu dàng thánh thiện, phong thái đường bệ mà thanh thoát nhẹ nhàng, ánh nhìn trang nghiêm mà đầy thân thương trìu mến, tấm khăn choàng của Mẹ bồng bềnh như có ngọn gió nhẹ khẽ chạm vào, như nương cánh tay đỡ Chúa Hài Đồng đang nép sát vào gương mặt Mẹ tìm sự che chở đầy yêu thương…
Bức tranh thoạt nhìn chỉ có 6 nhân vật gồm: Đức Mẹ, Chúa Hài Đồng, Hai Thánh tử vì đạo là Thánh Sixto và Thánh Barbara, hai thiên thần nhỏ. Nhưng đằng sau lưng Đức Mẹ, ẩn hiện trong những tầng mây là mờ mờ những sinh linh nhỏ bé, tạo nên ảo cảnh cuốn cái nhìn vào chiều sâu của bức tranh, làm cho bức tranh trở nên rộng mở hơn theo cả 4 chiều hình học không gian, như chính ta đang tham gia vào câu chuyện, lắng nghe và ngắm nhìn sự kiện đang diễn ra trước mắt.
Theo các nhà nghiên cứu nghệ thuật thời Phục Hưng, trong số các tác phẩm mỹ thuật về đề tài Đức Mẹ cho đến thời điểm “Madonna Sistine” của Raphael ra đời, ít có bức tranh nào có thể nhìn thấy cùng lúc những động thái tinh tế chân thực của các nhân vật, trao gửi thông điệp bằng ánh mắt, cử chỉ.
Đức mẹ và Chúa Hài Đồng như hướng về chúng sinh theo cánh tay phải của Thánh Sixto đưa về phía trước, trong khi ánh mắt ông lại hướng về Người với niềm yêu kính. Bên trái bức tranh là Thánh Barbara như đang bất chợt xoay người lại để nhìn xuống phía dưới, nơi có hai thiên thần đang ngước mắt lên. Hai thiên thần chống cằm nhìn lên như một sự suy ngẫm, chiêm nghiệm mà chỉ những người có đức tin mới thấy hết sự màu nhiệm đó..
Cái thực hiển hiện trong hình mẫu của con người, hòa trong cái ảo về những truyền thuyết sáng thế. Những nhân vật mà riêng câu chuyện về họ đã là một biểu tượng của đức tin bất tử và sự gợi mở cho những suy ngẫm sâu xa này. Và chính vì thế “Madonna Sistine”là sự kết tinh giữa đức tin và tri thức, tạo nên tầm vóc vĩ đại của bức tranh.
Quỳ hai bên Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng là Thánh Sixto và Thánh Barbara, hai vị Thánh Tử Vì Đạo ở thế kỷ thứ 3, thời Giáo hội Rome bị bách hại. Giữa không gian mây trời với ánh sáng lung linh, dưới chân Đức Mẹ, họ như ở một cảnh giới khác.
Họ đến, trong sự tuyên xưng đức tin, và qua phong thái dáng dấp, dường như họ đang làm chứng về cuộc sống vĩnh cửu bên Thiên Chúa sau cái chết ở phàm trần. Hai thiên thần nhỏ trong hình ảnh hai em bé ngây thơ, hồn nhiên ở bên dưới, dường như cũng đang làm chứng cho sự tuyên xưng và làm chứng này của họ...
Điều đọng lại khi ngắm nhìn kiệt tác “Madonna Sistine” của danh họa Raphael chính là gương mặt hiền dịu đẹp thánh thiện, ánh mắt chan chứa yêu thương của Đức Mẹ. Đắm vào cái nhìn của Đức Mẹ trong tranh, cảm thấy như có một sự bình yên trong lành, để rồi cảm nhận những điều thiêng liêng mà Xã hội Vạn vật Trí tuệ Nhân tạo (AIWS) muốn chuyển đến mọi người: lòng nhân ái, thánh thiện, cùng trí tuệ, sự sang tạo bay bổng luôn được gìn giữ và bảo tồn, nó mãi mãi là chủ đạo trong cuộc sống của nhân loại./.
Theo: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/madonna-sistine-cua-raphael-434148.html