Mỹ thuật cổ

Mỹ thuật cổ
Chất liệu gốm
Mỹ thuật cổ

TRƯNG BÀY MỸ THUẬT CỔ - CẬN ĐẠI CHẤT LIỆU GỐM

 

GỐM CỔ NAM BỘ

Ngay từ những khám phá đầu tiên, gốm cổ Nam Bộ đã thực sự thu hút các nhà khảo cổ học và những nhà nghiên cứu nghệ thuật bởi những đặc điểm về màu sắc, kiểu dáng và kỹ thuật cho thấy sự khác biệt với văn hóa vùng Đông Nam Á. Gốm cổ Nam Bộ khá phổ biến ở dạng sành và đất nung có tráng men nhẹ lửa, màu sắc chủ đạo là nâu hay đen. Tuy được tạo tác thủ công, song gốm cổ Nam Bộ lại khá phong phú với những hiện vật giàu tính mỹ thuật trong tạo hình với hệ thống tổ hợp hình học trong mỹ thuật trang trí và sự đa dạng trong các kỹ thuật: đắp nổi, khắc chìm, phủ men hoặc để mộc. Chính sự thô mộc nhưng độc đáo này là một phần tạo nên sức hấp dẫn của nghệ thuật gốm cổ Nam Bộ, một minh chứng đậm nét của nghệ thuật gốm nguyên thủy.

Gốm cổ Nam Bộ được sản xuất phần lớn nhằm phục vụ nhu cầu gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của cư dân cổ định cư nơi đây.

GỐM SÀI GÒN

Sự kết hợp kỹ thuật làm gốm của người Hoa và sự cần cù khéo léo của những người thợ Việt đã tạo nên nhiều sản phẩm đa dạng, đặc sắc cho dòng gốm Sài Gòn. Để lưu lại những giá trị văn hóa, nghệ thuật xưa, Bảo tàng Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh sưu tầm, bảo quản và hình thành sưu tập Gốm Sài Gòn có niên đại từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Sưu tập gốm Sài Gòn tại Bảo tàng Mỹ thuật có các loại hình chính: trang trí kiến trúc, phục vụ nhu cầu thờ cúng, tín ngưỡng và gia dụng, tiêu biểu như tượng Quan Âm, tượng Rồng, tượng Nhật thần – Nguyệt thần, tượng Phụng hàm thư, Chóe trang trí đề tài cúc-trĩ, Bình rượu đề chữ Trật đả dược tửu...  Hoa văn trang trí trên gốm thường được vẽ theo lối phóng bút, khoáng đạt, có tính khái quát cao; tuy màu men không phong phú, chủ yếu là các màu xanh rêu, xanh dương, xanh lá cây, màu vàng, đôi khi mà màu men lem ra bên ngoài chi tiết, song lối trang trí hoa văn khoáng đạt, cách phối màu men giản dị đã tạo nên những sắc thái riêng mang hai khuynh hướng truyền thống và cách tân cho dòng gốm đặc trưng của Nam bộ.  

GỐM LÁI THIÊU

Vào đầu thế kỷ XX, khi gốm Sài Gòn bước vào giai đoạn khó khăn, địa bàn sản xuất ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa, một số lò gốm đã chuyển hướng sản xuất ra các vùng phụ cận, hình thành trung tâm gốm mới tại Lái Thiêu (Bình Dương). Gốm Lái Thiêu đi sâu vào việc sản xuất gốm gia dụng và đã dần dần chiếm lĩnh thị trường Nam Bộ và nhiều địa phương khác trong cả nước.

Do chủ yếu sản xuất các sản phẩm thực dụng nên từ kĩ thuật tạo tác, gốm Lái Thiêu đã đồng thời kết hợp với nhu cần tiện ích lẫn hiệu quả mỹ thuật. Sự đa dạng về chủng loại sản phẩm, sự phong phú về hình dáng, bố cục, nội dung trang trí vừa đậm chất hội họa, vừa mang đậm chất dân gian đã tạo nên nét đặc thù của gốm Lái Thiêu – một loại hình gốm đã đi vào đời sống dân gian và gắn liền với cư dân Nam Bộ hơn một thế kỉ qua.

GỐM BIÊN HÒA

Bắt nguồn từ sự kết hợp của 2 dòng gốm Việt – Hoa và ứng dụng từ những thành tựu của trường Mỹ nghệ Biên Hòa (1903), gốm Biên Hòa đã nhanh chóng trở thành một dòng gốm mỹ thuật đặc trưng cho đến những năm 50 của thế kỷ XX với tên gọi nổi tiếng “Gốm mỹ nghệ Biên Hòa”.

Với đặc điểm nổi bật trong kỹ thuật khắc chìm và phối men nhiều màu trên sản phẩm gốm sành xốp lửa trung, kết hợp giữa trang trí và hội họa trên gốm, từ những thể nghiệm sáng tạo đầu tiên trong sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống của gốm bản địa và kỹ thuật gốm phương Tây, gốm Biên Hòa đã nhanh chóng khẳng định ưu thế độc lập và xu hướng riêng. Cùng với gốm Cây Mai (Sài Gòn) và gốm Lái Thiêu (Bình Dương), gốm Biên Hòa đã góp phần đánh dấu, một giai đoạn phát triển lịch sử của nghệ thuật gốm Việt Nam mang phong cách Nam Bộ trong giai đoạn cận và hiện đại.

 

 

2021 © Bảo tàng Mỹ thuật Hồ Chí Minh. Design by Nina.vn
  • Đang online: 12
  • Tuần: 2438
  • Tháng: 7658
  • Tổng truy cập: 616088