Nàng Mona Lisa bao đời nay vẫn mang một gương mặt bí ẩn, đôi mắt thoạt nhìn như rơi vào khoảng không vô định xa xăm nhưng bất kỳ ai khi ngắm bức tranh đều cảm giác ánh nhìn của Nàng đang xoáy sâu, bóc tách mình ra từng lớp. Nét môi Nàng như đang chuyển động để sắp bật ra một câu hỏi nhưng người đời lại gán cho đó là một nụ cười mơ hồ đầy ma lực, làm điên đảo nhân gian suốt hơn 500 năm.
Tôi đã được ngắm vài lần bức tranh Mona Lisa, hay còn gọi là La Joconde của danh họa thiên tài Leonardo da Vinci, vẽ vào năm 1503, tại bảo tàng Louvre, Paris, Pháp. Và không lần nào không có những cảm xúc lẫn lộn khi đối diện với Nàng.
Mona Lisa, hay La Gioconda- La Joconde, là chân dung nàng Lisa del Giocondo một thành viên của gia đình Gherardini, vợ của thương nhân tơ lụa giàu có ở Florence và Tuscany- Italia tên Francesco del Giocondo. Bức tranh được đặt hàng cho ngôi nhà mới của họ và để kỷ niệm ngày sinh của đứa con trai thứ hai.
Da Vinci bắt đầu vẽ Mona Lisa vào khoảng năm 1503, trong thời Phục hưng Italia, nhưng không biết vì lẽ gì, ông đã bỏ bẵng bức tranh trong bốn năm, không hoàn thành? Và chỉ tiếp tục bức vẽ trong ba năm sau khi đã rời sang Pháp và hoàn thành nó một thời gian ngắn trước khi mất năm 1519.
Đây là một bức chân dung kích thước 77x53cm theo chiều đứng, được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên một tấm gỗ dương dày 1,3cm. Tác phẩm hiện thuộc sở hữu của Chính phủ Pháp và đang được trưng bày tại bảo tàng Louvre, Paris, Pháp với tên gọi “Chân dung Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo”.
Xã hội Vạn vật Trí tuệ Nhân tạo coi Mona Lisa là thành tựu mỹ thuật vĩ đại cho muôn đời
Nhưng mãi tới ba thế kỷ sau, Mona Lisa mới bắt đầu nổi tiếng khi các nghệ sĩ của phong trào “Ấn tượng”- Impressionism bắt đầu ca ngợi nó, và gắn nó với những ý tưởng của họ về sự bí ẩn của phụ nữ, miêu tả nhân vật trong bức tranh như một kiểu hiện thân bí ẩn của nữ tính vĩnh cửu, người "già hơn những hòn đá mà bà ngồi lên…, đã chết nhiều lần và biết được những bí ẩn của nấm mồ."- Walter Pater, nhà phê bình nghệ thuật thế kỷ 19 trong tiều luận viết về Da Vinci năm 1847.
Và kể từ đó Nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci đã tạo cảm hứng cho rất nhiều nhà phân tích, từ nghệ thuật tới khoa học, từ phân tích quang học tới phân tích tâm lý học, hình thành cả một chuyên đề "Nụ cười Mona Lisa" trong văn học, đại diện cho một cái gì đó rất bí ẩn nhưng sâu xa, huyền ảo.
Nàng cười hay khóc là một bí mật khó giải mã. Và Nàng không hề biết rằng, chỉ vì điều đó mà dấy lên bao cuộc “chiến” của các giới cho mãi đến 500 năm sau vẫn chưa phân thắng bại. Nếu nhìn tổng thể khó đoán định, nhưng nếu nhìn riêng đôi mắt, sẽ thấy ánh lên sự tinh anh và niềm vui, nhìn xuống khoé miệng, đôi môi, lại thấy nàng mang vẻ nghiêm nghị kỳ lạ, trong đó có chút gì nửa như cười nửa như thách thức?
Riêng tôi, khi đứng ngắm Nàng Mona Lisa luôn tự đưa ra rất nhiều câu hỏi: Sự bí ẩn của người đàn bà đẹp này là do bản thân cuộc đời Nàng hay tài năng của thiên tài Leonardo da Vinci tạo nên? Người ta nhìn ngắm Nàng để hiểu thêm về người nghệ sĩ hay từ cuộc đời người nghệ sỹ để hiểu thêm tác phẩm?
Hơn 500 năm qua, Nàng Mona Lisa lạc trôi bao cảnh đời, và hiện trú ngụ (có thể là mãi mãi) trong căn phòng với sự bảo vệ kiên cố nhiều tầng lớp ở bảo tàng Louvre, đã đối mặt với bao nhiêu số phận, bao nhiêu con người, chứng kiến bao nhiêu người đến và đi?
Họ đến một mình hay có đôi có cặp, họ đến khi cô đơn hay khi hạnh phúc, họ đến như một sự khám phá , hay chỉ là để thỏa mãn tò mò, và biết đâu có kẻ đi lướt qua Nàng với một cái nhìn không quá 30 giây, bởi lẽ người đàn bà đi bên cạnh anh ta còn đẹp và bí ẩn hơn cả Nàng..?
Nàng có tiên đoán được số phận của những con người đi qua không, hay với Nàng cõi nhân gian kia chỉ là cõi tạm, và mỗi người có một định mệnh an bài, không thể cưỡng lại? Nàng có mặt ở nhân gian nhân danh tình yêu hay lòng sân hận? Tại sao Nàng có mặt ở bảo tàng này mà không phải quê hương của Nàng?
Nàng có vui không khi được nhân gian ngưỡng mộ xem như báu vật? Nàng cô đơn hay hạnh phúc khi phải ở trong mấy tầng kính đóng hộp kia? Nàng có hận không khi có kẻ cuồng điên đã từng rạch mặt hòng hủy hoại nhan sắc của Nàng? Nàng có khi nào không còn muốn tồn tại ở cõi đời này?
Và ở chiều ngược lai, Nàng Mona Lisa nhìn nhân gian như muốn hỏi: Bạn là ai, từ đâu đến, muốn gì trong cuộc đời này? Có bao giờ muốn sinh ra dưới một cái tên khác, một hình hài khác, một lý lịch khác? Bạn đã trải qua bao nhiêu cửa ải trong cuộc đời không dài mà cũng không ngắn này? Bạn có hiểu biết gì về thế giới xung quanh bạn? Bạn có thể biết được tương lai của mình hay thế giới không?...
Và tôi cũng rất muốn biết những người đi qua bức tranh có bao nhiêu người nhận được và mang theo câu hỏi của Nàng Mona Lisa để rồi ám ảnh suốt cuộc đời?
Có lẽ bởi ánh mắt của Nàng, bởi khóe miệng của Nàng cất giấu, ẩn chứa cả một kho tàng khổng lồ tri thức nhân gian từ cổ đại đến tương lai, mà khi đối diện với Nàng, tùy từng người với vốn kiến thức của mình hiểu Nàng đến đâu.
Hay nói một cách khác, có quyền “nghi ngờ”, Nàng là hiện thân của “trí tuệ nhân tạo”, mà hơn 500 năm trước Da Vinci đã ngầm gửi thông điệp qua Nàng, chính vì thế mà Nàng mới bí ẩn đến kỳ ảo, mới quyến rũ đến mê hoặc, khiền mọi người si mê mà không ai giải mã để sở hữu được nụ cười của Nàng.
Có thể tin vào điều đó, bởi Leonardo da Vinci sinh thời là một thiên tài ở nhiều lĩnh vực, không chỉ là một hoạ sỹ, nhà điêu khắc, ông còn là một kiến trúc sư, kỹ sư công binh, nhà giải phẫu, nhà toán học, hoá học, vật lý học, triết học, thiên văn học, nhà thơ, nhà văn, nhạc công, ca sĩ, nhà phát minh- sáng chế … nghề nào, ngành nào ông cũng là tài năng của thời Phục Hưng.
Cho đến hiện tại, các nhà “khảo cổ” vẫn luôn tìm tòi lục lọi, giải mã các tác phẩm của ông, bởi có rất nhiều điều ông đã tiên đoán trước sự hiện diện của sự vật, hiện tượng…, sau khi ông qua đời hơn 500 năm, và có thể còn sau đó nữa.
Và Nàng Mona Lisa hay La Joconde với “nụ cười” bí ẩn phải chăng là hàm chứa tổng hợp tri thức nhân gian, để mỗi khi ngắm Nàng là khám phá ra một điều thú vị, để tạo cảm hứng cho những phát minh, sáng chế hay sáng tạo trong nhiều lĩnh vực từ khoa học đến nghệ thuật./.
Theo: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/mona-lisa-nu-cuoi-bi-an-ham-chua-tri-thuc-nhan-gian-429836.html