GỐM BIÊN HÒA - SẮC MÀU CUỘC SỐNG
Bắt nguồn từ sự kết hợp của hai dòng gốm Việt – Hoa vào giữa thế kỷ XVII và ứng dụng những thành tựu của Trường dạy nghề Biên Hòa (thành lập năm 1903, nay là trường Cao đẳng Trang trí mỹ thuật Đồng Nai), gốm Biên Hòa đã nhanh chóng trở thành một dòng gốm mỹ thuật đặc trưng cho đến những năm 50 của thế kỷ XX với tên gọi nổi tiếng “Gốm mỹ nghệ Biên Hòa”.
Với đặc điểm nổi bật trong kỹ thuật khắc chìm và phối men nhiều màu trên sản phẩm gốm sành xốp lửa trung, kết hợp giữa trang trí và hội họa trên gốm. Từ những thể nghiệm sáng tạo đầu tiên trong sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống của gốm bản địa và kỹ thuật gốm phương Tây, gốm Biên Hòa đã nhanh chóng khẳng định ưu thế độc lập và xu hướng riêng. Cùng với gốm Lái Thiêu (Bình Dương) và gốm Cây Mai (Sài Gòn), gốm Biên Hòa đã góp phần đánh dấu một giai đoạn phát triển của nghệ thuật gốm Việt Nam mang phong cách Nam Bộ trong giai đoạn cận - hiện đại.
Và cho đến ngày nay, gốm Biên Hoà trải qua hàng trăm năm lúc thăng, lúc trầm vẫn tiếp tục tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ, gia dụng phục vụ nhu cầu đa dạng của cuộc sống hiện đại, đáp ứng cả thị trường trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm gốm Biên Hoà đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật mang đậm hơi thở đương đại từ những đôi bàn tay khéo léo của người nghệ sĩ gốm, đem đến những giá trị mới cho một dòng gốm truyền thống độc đáo của vùng đất phương Nam.
Buổi sinh hoạt chuyên đề giới thiệu về các tác phẩm gốm Biên Hoà được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vào ngày 23/6/2023 với sự tham dự của các nghệ sĩ gốm
Nguyễn Quang Hoàng
Nguyễn Văn Trung
Hoàng Ngọc Hiến
Ngô Trọng Văn
Nguyễn Thị Dũng
Vũ Trung Tần
Đinh Văn Sơn
Nguyễn Thị Thu Hiền
Trân trọng đón tiếp quý khách!