Đối với những người yêu mỹ thuật, họa sĩ Huỳnh Phương Đông được xem như một đại diện tiêu biểu để nhớ về các họa sĩ của Phòng Hội họa Giải Phóng (B11). Những ký họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông gợi nhớ về một khoảng thời gian hoạt động nghệ thuật trong chiến tranh và bom đạn. Sự khắc nghiệt của thời cuộc, và sự thiếu thốn về mặt vật chất, hay phương tiện sáng tác đã không làm lùi bước tinh thần yêu nghệ thuật của họa sĩ.
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Phòng Hội họa Giải phóng (B11) và Kỷ niệm 97 năm ngày sinh của họa sĩ Huỳnh Phương Đông (Huỳnh Công Nhãn), Triển lãm Bên chiến hào: Ký họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông từ ngày 10/4/2022-17/4/2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu đến công chúng 134 ký họa được họa sĩ Huỳnh Phương Đông sáng tác từ năm 1963-1975.
Chiến đấu tuy gian lao, song điều quý giá nhất của người họa sĩ khi tham gia chiến trường là tích lũy được vốn sống và vốn sáng tác. Bản thân là người trong cuộc, họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã sáng tác nhiều tác phẩm chân thực về quá khứ, về cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc bằng cảm quan của người chiến sĩ - nghệ sĩ. Những ký họa Cảnh chiến trường, Trên trận địa, Mậu thân 1968, Em Kim Liên phòng Hội họa giải phóng … chính là những ký họa gợi lên từ ký ức năm xưa. Những ký họa này cũng di sản quý giá mà họa sĩ Huỳnh Phương Đông lưu lại cho thế hệ sau. Sự phóng khoáng, sống động, và tự nhiên trong bút pháp với các chất liệu như: chì, bút sắt, mực đen, thuốc nước, phấn màu...sẽ đem lại một cái nhìn tổng quan về cách mà họa sĩ hoạt động nghệ thuật trên chiến trường và cảm nhận được tinh thần lạc quan yêu đời của các chiến sĩ, nghệ sĩ.
Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh trân trọng đón tiếp!
CĂN CỨ ẤP BẮC, Mỹ Tho
Thuốc nước (19 x 26.5cm). 1965
CẢNH CHIẾN TRƯỜNG
Thuốc nước, chì than (15.5 x 31cm). 1963
ĐẾN MÃ ĐÀ CHIẾN KHU Đ
Thuốc nước (19.5 x 44.5cm). 1963
EM HỒ THỊ TÂM
Giao liên Tân Nhựt, nội thành.
Thuốc nước (28 x 21.5cm). 1968
EM LIÊN
Tuyên huấn (Kiến Phong).
Thuốc nước (27 x 19cm). 1972