Ký họa

Ký họa
Kháng chiến miền Nam
Ký họa

Ký họa bột màu "Cây súng" - Tác giả: Nguyễn Hiêm 

Ký họa bút sắt "Chiến thắng" - Tác giả: Trần Hoàng Sơn

Ký họa màu nước "Đồng chí Sáu Cần" - Tác giả: Thái Hà

Ký họa màu nước "Hành quân" - Tác giả: Nguyễn Thanh Châu

Ký họa màu nước "Vác DKB" - Tác giả: Lê Lam

Ký họa bút sắt "Những đôi vai" - Tác giả: Nhất Tâm

  

Ký họa kháng chiến là một thể loại đặc biệt được ra đời trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, xuất phát từ việc ghi nhận những nhân vật, sự kiện và những đối tượng liên quan ở chiến trường trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Mỹ thuật cách mạng được hình thành trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam và gắn liền với những sự kiện của lịch sử Việt Nam ngay từ nửa đầu thế kỷ XX, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, Đề cương Văn hóa năm 1943, Cách mạng tháng Tám và cuộc kháng chiến chống Pháp thực sự đã làm thay đổi cơ bản nhận thức và giá trị tư tưởng của nền nghệ thuật hội họa Việt Nam. Mỹ thuật Cách mạng ra đời không phải là sự ngẫu nhiên, mà là kết quả tất yếu của một đường lối, chủ trương cụ thể của Đảng. Thể loại ký họa được các họa sĩ lựa chọn bởi ký họa không những chiếm nhiều ưu thế trong hình thức ghi nhận và thể hiện, mà còn đáp ứng hữu hiệu nhất những yêu cầu trong sự thiếu thốn về họa cụ, điều kiện di chuyển, bảo quản và cất giữ trong chiến tranh. Vào giai đoạn đầu, các họa sĩ vẽ ký họa chưa nhiều. Nhưng cuộc chiến càng khốc liệt, những mất mát, thương đau càng nhiều, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc…, nhận thức được sứ mệnh của lịch sử trong trọng trách của người họa sĩ, họ tranh thủ từng phút từng giờ để ghi nhận thật nhanh, thật nhiều, thật chính xác từng con người, từng sự kiện, quang cảnh của đất nước.

Ký họa kháng chiến miền Nam đã hình thành, phát triển và đóng vai trò chủ lực đối với mỹ thuật miền Nam trong thực tế ác liệt của chiến tranh. Ký họa miền Nam chứa đựng những nội dung vừa bình dị, vừa lớn lao, không mang nặng tính tàn khốc và đối kháng trong chiến tranh, có lẽ đây là điểm khác biệt nổi bật của ký họa chiến trường Việt Nam so với các ký họa chiến trường khác trên thế giới. Các đề tài được các họa sĩ phản ánh tựu chung gồm: Hình ảnh chiến sĩ trên tiền tuyến, những con người phục vụ kháng chiến ở hậu phương, những sự kiện lịch sử, và phong cảnh, thiên nhiên vùng đất Nam bộ. Phần lớn các ký họa được thể hiện bởi một bố cục chặt chẽ, hình họa vững, nét vẽ nhanh gọn. Màu sắc phù hợp với không gian của đề tài bằng những họa cụ sẵn có: bột màu, màu nước, phấn màu, bút chì, than cây…. Màu sắc trong ký họa có tính tiết chế cao nhưng thể hiện trọn vẹn ý tưởng và cảm xúc của người nghệ sĩ. Các phương pháp mà các họa sĩ đã thể hiện trong ký họa bao gồm phương pháp ký họa nhanh và ký họa sâu. Ở phương pháp ký họa nhanh (tốc họa): với việc sử dụng đường nét để tạo hình cho ký họa, các họa sĩ chủ yếu sử dụng để ký họa người và sự vật, trên cơ sở lấy dáng chính tổng thể. Ở phương pháp ký họa sâu (thâm diễn): các họa sĩ chăm chút hơn, vẽ chi tiết, chính xác hơn theo đúng với thực tế; phần lớn các mảng đề tài được sử dụng trong phương pháp này là cảnh sinh hoạt của quân dân, hoạt động chiến trường hay phong cảnh thiên nhiên.

Ký họa kháng chiến miền Nam là sưu tập quan trọng mà Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tự hào đã xây dựng tương đối đầy đủ, đặc sắc; phản ánh những đặc trưng của nền hội họa cách mạng miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, với trên 3000 ký họa được sáng tác trên chiến trường. Việc xây dựng và định hình chiến lược sưu tầm dựa trên nền tảng nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của ký họa kháng chiến, bởi đó không chỉ là xương máu, tâm huyết, là những tư liệu bằng nét vẽ thực tế con người, cuộc sống, vùng đất và cuộc chiến tranh cam go của dân tộc. Bên cạnh việc phản ánh thực tế từng giai đoạn lịch sử, ký họa kháng chiến còn là minh chứng cụ thể về sự đúng đắn trong đường lối văn hóa nghệ thuật của Đảng. Đây là một đặc điểm rất riêng, góp phần khẳng định giá trị mỹ thuật, giá trị lịch sử và nét đặc trưng riêng biệt của một Bảo tàng chuyên ngành mỹ thuật của khu vực phía Nam.

 

 

2021 © Bảo tàng Mỹ thuật Hồ Chí Minh. Design by Nina.vn
  • Đang online: 2
  • Tuần: 2848
  • Tháng: 25965
  • Tổng truy cập: 429212