“Mỗi ngày, khi bước đi trên đường phố Sài Gòn, người nào cũng để lại một dấu vết gì đó trên mặt đường. Vậy tại sao chúng ta không để lại ước mơ hay tình yêu để lấp đầy những cái hố xấu xí?” – Tác giả Xuân Nguyên hào hứng nói về tác phẩm của nhóm trong triển lãm Chuyển mình hứng khởi – một dự án đề cập đến những hệ quả của sự giao thoa văn hóa giữa các quốc gia, đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đến hết ngày 14.01.2018.
Triển lãm thể hiện cái nhìn đa dạng của ba nghệ sĩ Trương Minh Thy Nguyên, Pierre Larauza, Emmanuelle Vincent và sinh viên trường Đại học Mỹ thuật về sự lai trộn trong văn hóa Việt Nam thời kỳ phát triển kinh tế, xã hội.
Trong số 29 tác phẩm của 12 nhóm sinh viên, nhiều tác phẩm gây ngạc nhiên khi tập trung điểm nhìn của mình về những mặt đối lập ở Sài Gòn và xa hơn là trong các đô thị đang dần giãn nở.
Phóng chiếu ngẫu nhiên các thước phim về Sài Gòn lên những màn hình có kích cỡ khác nhau, Nguyễn Tiến Đạt – tác giả của video art (nghệ thuật video) Những định nghĩa. Anh muốn “định nghĩa” về Sài Gòn không phải bằng những từ ngữ mỹ miều mà bằng những hình ảnh giản đơn nhưng định hình trong tâm trí nhiều người, như một ly cà phê đá buổi sáng, những con đường ồn ào tiếng xe cộ…
Video art của Nguyễn Tiến Đạt phóng chiếu những góc nhìn về sự định hình đô thị – Ảnh: Mai Thụy
Trong khi Những định nghĩa mở ra cho người xem những câu hỏi về không gian Sài Gòn thì tác phẩm Hố đô thị lại nỗ lực thay đổi những nhận thức của mọi người về cảnh quan thành phố. Hố đô thị là những cái hố lồi lõm trên khắp đường phố Sài Gòn được vá lấp lại bằng những viên đá được tô màu hồng và bên trên có ghi ước mơ của nhiều bạn trẻ.
Nhóm tác giả Đỗ Hà Hoài, Đàm Thị Xuân Nguyên, Võ Đình Trâm Anh cho rằng những cái hố xấu xí trên mặt đường tượng trưng cho những tổn hại chúng ta gây ra cho thành phố và cũng là vết thương của Sài Gòn trong bối cảnh một đô thị đang phát triển mạnh mẽ.
Nhóm tác giả tương tác với người xem trong tác phẩm Hố đô thị – Ảnh: Mai Thụy
Những tổn thương đó đều có thể chữa lành bằng ước mơ đẹp của mọi người và sự chung sức của họ trong việc thay đổi bộ mặt thành phố. Hố đô thị ra mắt lần này chỉ là một phần nhỏ của dự án mà nhóm tác giả đang theo đuổi.
Kế đến, trong một hành lang nhỏ bên cạnh, nhóm của Nguyễn Đức Huy sử dụng ánh sáng để hắt bóng của những viên gạch vỡ vụn lên mảng tường trống, hiện lên dáng dấp của những tòa nhà cao tầng. Nhóm tác giả gọi tên tác phẩm của mình là Ước mơ, quá khứ và tương lai.
Tác phẩm Ước mơ, quá khứ và tương lai đặt ra những câu hỏi về ước mơ phát triển thành phố – Ảnh: Mai Thụy
Bóng của những tòa nhà trên tường phản chiếu ước mơ của con người hướng về một tương lai kỳ vĩ dựa trên nền tảng của quá khứ, thực tại (những viên gạch vụn). Huy và những người bạn của mình đặt ra câu hỏi: Liệu có một tương lai nào đó không được xây dựng từ vụn vỡ của hôm nay? Liệu những tương lai ấy có thực sự tươi đẹp như chúng ta thường mơ tưởng hay chỉ là ảo ảnh?…
Tác phẩm trình diễn Sự hối hả của Nguyễn Việt Hải Tú và Đoàn Nguyễn Phương An – Ảnh: Mai Thụy
Chuyển mình hứng khởi ít nhiều cho thấy cái nhìn của các tác giả trẻ về những thay đổi trong cấu trúc văn hóa của thành phố cũng như nỗ lực đào xới những giá trị của đô thị. Sự phát triển là cần thiết, tuy nhiên những nền tảng văn hóa tốt đẹp không nhất thiết phải mất đi mà thay vào đó có thể hòa trộn vào nhau và tạo nên các giá trị gần gũi hơn.
Theo: https://tuoitre.vn/viet-tiep-uoc-mo-cho-do-thi-sai-gon-2017122810564882.htm